Phương Châm 4 Tại Chỗ Trong Phòng Cháy Chữa Cháy (PCCC) Là Gì 

Hiện nay công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) không chỉ là công việc của một đơn vị, lực lượng PCCC nào, mà những biện pháp, cũng như công tác PCCC được tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn các khu dân cư thông qua các đơn vị, các cơ quan nhà nước, được tuyên truyền trong các đơn vị doanh nghiệp thông qua các buổi tập huấn định kì.

Trong suốt thời gian qua, mặc dù công tác PCCC vẫn được tuyên truyền và phổ biến khắp nơi nhưng tình hình cháy nổ vẫn đang diễn biến khá phức tạp và ngày càng khó lường về mức độ cũng như thiệt hại xảy ra đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng về tài sản, tính mạng của con người.

Cho nên, để đạt được kết quả cao trong PCCC thì Phương châm 4 tại chổ ra đời, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp  của toàn xã hội, nhưng sâu xa hơn phải là sự nhận thức của từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng tổ/ khu phố, quận/huyện….

Vậy Phương châm 4 tại chỗ là gì

Ngoài việc lắp đặt những hệ thống, những bình cứu hỏa thì việc chỉ đạo và tập huấn về một số tình huống cụ thể trong công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại đơn vị doanh nghiệp, và trong địa phương là cần thiết. Và Phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCC bao gồm:

+ Chỉ huy tại chỗ:

-Đối với địa phương: Tổ trưởng của tổ dân phố, Đội trưởng của đội dân phòng…sẽ là người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trong công tác PCCC  ở địa phương trong thời gian công tác và có sự cố cháy nổ xảy ra trong địa phương mình.

-Đối với đơn vị doanh nghiệp: tổ chức công đoàn hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp…sẽ là những người được giao trách nhiệm ngoài tập huấn cho các công nhân viên trong công tác PCCC, họ còn là những người chỉ huy tại chổ khi có sự cố cháy xảy ra.

+ Lực lượng tại chỗ:

Lực lượng này bao gồm tất cả người dân tham gia hệ thống phòng cháy chữa cháy sống trong khu dân cư và nòng cốt là lực lượng dân phòng.

+ Phương tiện tại chỗ:

Đây chính là công tác chuẩn bị sẵn sàng những phương tiện, nhằm phục vụ cho công tác PCCC và cứu người, cứu tài sản, những phương tiện bao gồm nguồn nước và các vật liệu chữa cháy như: bình chữa cháy, cát,  trụ nước, hoặc xe chữa cháy …

+ Vật tư và hậu cần tại chỗ:

Đây chính là sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí, các nhu yếu phẩm cần thiết để nhằm phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Những biện pháp cần thực hiện trong công tác PCCC để phương châm “4 tại chỗ” thực sự đạt hiệu quả.

+ Các Cán bộ hướng dẫn kiểm tra về an toàn PCCC phải thường xuyên huấn luyện và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tổ chức thực tập các phương án cụ thể khi xảy ra hỏa hoạn, thực tập việc chữa cháy cho lực lượng dân phòng tại các khu dân cư trên từng địa bàn cụ thể. Xây dựng, tổ chức và củng cố lực lượng dân phòng để trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC tại khu dân cư.

Trong luật PCCC cũng quy định, khi cháy xảy ra tại địa bàn các tổ, khu phố, tổ dân phố khi lực lượng Cảnh sát PCCC chưa đến kịp, thì Tổ trưởng tổ dân phố này sẽ là người chỉ huy chữa cháy, trường hợp tổ trưởng này vắng mặt thì Đội trưởng của đội dân phòng (hoặc người được uỷ quyền) là người trực tiếp chỉ huy chữa cháy.

+ Các tổ trưởng Tổ dân phố và đội trưởng Đội dân phòng cần phải chủ động phối hợp với các cán bộ kiểm tra trên địa bàn và Cảnh sát khu vực để tập hợp quần chúng nhân dân để tổ chức đưa những kiến thức nhằm tuyên truyền hiểu biết về PCCC đến từng hộ gia đình và từng người dân trong tổ dân phố.

+  Tại các khu dân cư, tổ dân phố phải thành lập Đội dân phòng do UBND cấp phường/xã thành lập, quản lý và chỉ đạo. Đồng thời, UBND Phường/xã phải trang bị đầy đủ phương tiện,thiết bị PCCC cho đội dân phòng để khi có xảy ra cháy nổ thì lực lượng dân phòng sẽ sẵn sàng lực lượng và phương tiện để nhanh chóng chữa cháy nhằm hạn chế thấp nhất hậu quả do cháy nổ gây ra.

+ Mỗi hộ gia đình cần chủ động trang bị các phương tiện và thiết bị PCCC . Đặc biệt là các hộ kinh doanh, các hộ có cho thuê nhà, phòng trọ phải trang bị đầy đủ những phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy với các nội quy và tiêu lệnh PCCC, dây thoát hiểm (với các hộ ở chung cư) để khi xảy ra sự cố có cháy thì mọi người đều có thể biết cách sử dụng phương tiện và thực hiện tốt các thao tác khi có sự cố xảy ra.

+ Cần phải đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng dân phòng trong thời gian huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt khi trực tiếp tham gia chữa cháy theo quy định của nhà nước.

Phương châm “4 tại chỗ” khi được triển khai đồng bộ và toàn diện, tập trung phổ biến trong toàn dân. Việc hạn chế tối đa về vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra là điều mà mỗi người dân cần nắm rõ và thực hiện được. Khi mọi người cùng chung tay thực hiện nghiêm túc, thì chắc chắn rằng công tác đảm bảo an toàn và PCCC không còn là vấn đề khó khăn nữa,